Từ tháng 7/2011, ngừng hoạt động xe khách, xe container không lắp hộp đen
Theo lộ trình áp dụng Luật GTĐB mới, từ 1/7/2011, các xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) gọi tắt là hộp đen.
Theo lộ trình áp dụng Luật GTĐB mới, từ 1/7/2011, các xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) gọi tắt là hộp đen. Từ ngày 1/1/2012, áp dụng với xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và từ ngày 1/7/2012 áp dụng với tất cả các loại xe kinh doanh vận tải hành khách. Về phía Bộ GTVT, trong tháng 8/2010, Bộ cũng sẽ yêu cầu những doanh nghiệp có xe vận tải khách chạy trên 500km, xe container báo cáo số lượng. Tiếp theo đó, Cục Đăng kiểm sẽ có thông báo cụ thể về việc lắp đặt thiết bị GSHT đến các doanh nghiệp.
Theo Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định 91 - 2009/CP: Bắt đầu từ 1/7/2011, các xe thuộc diện phải lắp hộp đen nhưng không thực hiện sẽ phải ngừng hoạt động. Các trạm đăng kiểm xe cơ giới sẽ không cấp tem kiểm định cho xe không có thiết bị.
Những điều doanh nghiệp lo lắng không phải không có lý, khi mà ông Nguyễn Tất Tuấn - chuyên viên Phòng Kiểm định phương tiện xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) từng cho biết, trong 2 loại thiết bị đã được đưa vào hoạt động thí điểm, loại dùng tín hiệu định vị vệ tinh có nhược điểm là khi đi qua có địa hình, thời tiết xấu (như đường hầm hay lưới điện cao thế...) dễ bị mất tín hiệu, còn loại dùng thiết bị cảm biến chỉ bị mất tín hiệu khi phương tiện mất điện nguồn (đồng nghĩa với không hoạt động). Cơ quan quản lý Nhà nước hoặc người quản lý doanh nghiệp có thể lấy trực tiếp thông tin từ thiết bị GSHT (truyền qua sóng viễn thông) hoặc từ thẻ nhớ.
Trước ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn: Theo lộ trình thì trong tháng 8 này, Thông tư sẽ được ban hành. Nhưng đến giờ gần nửa tháng đã trôi qua, mà các quy định vẫn chưa được thống nhất. Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị này, tránh tình trạng DN đầu tư rồi lại phải thay đổi theo yêu cầu của cơ quan quản lý gây tốn kém.
Hiệp hội Vận tải ôtô VN cũng đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, giải quyết những băn khoăn hiện nay của DN, đồng thời tránh cho các DN quá cập rập khi thực hiện chủ trương. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc chậm trễ lắp đặt thiết bị GSHT rất có thể dẫn đến tình trạng các DN vận tải đình trệ hoạt động, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Thiết nghĩ, để có cách quản lý hành chính đơn giản nhất và cũng là để tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp, đơn vị hợp tác xã vận tải lắp đặt thiết bị GSHT một cách hiệu quả, trước khi trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành Thông tư, Ban soạn thảo thông tư nên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên toàn quốc để lấy ý kiến lần cuối. Qua cuộc đối thoại này, các doanh nghiệp vận tải, cũng như cơ quan chức năng sẽ thống nhất ý kiến, đưa ra được những quy định hợp tình, hợp lý, tránh tình trạng Bộ ban hành quy định, còn doanh nghiệp thì làm ngơ không thực hiện.
Theo CAND Online.